Việt Nam cần chuẩn bị gì để 'hóa giải' cơ chế CBAM?

Thứ sáu - 19/04/2024 10:00
 

Việt Nam cần chuẩn bị gì để ‘hóa giải’ cơ chế CBAM? (Nguồn: Collective Evolution)

Theo nhận định của Tiến sĩ Devmali Perera, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, bằng việc thực hiện ngay các giải pháp ngắn hạn, đồng thời triển khai chiến lược dài hạn, Việt Nam có thể giải quyết các thách thức của CBAM và hướng tới thực hiện cam kết quốc gia về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) là thuế carbon đánh vào hàng hóa nhập khẩu. Đây là một chiến lược được đưa ra trong khuôn khổ cam kết giảm lượng khí thải carbon trên toàn thế giới và hiện thực hóa các mục tiêu mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đặt ra.Bà có thể chia sẻ những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải khi EU thực thi CBAM?

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022, mức phát thải khí nhà kính tại Việt Nam đã tăng nhanh trong 30 năm qua song song với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc của đất nước. Quá trình tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa của Việt Nam chủ yếu sử dụng nguồn năng lượng phụ thuộc vào than đá, tạo ra lượng khí nhà kính đáng kể. Do đó, CBAM chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Tuy nhiên, CBAM sẽ không tác động đồng đều tới toàn bộ các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU mà rõ ràng nhất với bốn ngành xuất khẩu chính: sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón. Đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU, việc thực hiện CBAM đem đến một số thách thức.

Thứ nhất, thuế này có thể làm tăng chi phí hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, khiến lợi nhuận/doanh thu từ hoạt động xuất khẩu này giảm. CBAM đặt mục tiêu đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất sản phẩm đó. Điều này có nghĩa là hàng hóa sản xuất tại các quốc gia như Việt Nam, nơi không có chính sách định giá carbon nghiêm ngặt, sẽ có chi phí cao hơn khi vào EU. Các nhà xuất khẩu sẽ phải gánh chịu những chi phí này, dẫn đến giảm tỷ suất lợi nhuận, hoặc chuyển gánh nặng sang người tiêu dùng, điều này có thể khiến sản phẩm của họ kém cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.

Thách thức cấp bách thứ hai là việc thiếu nhận thức về CBAM và tác động của nó đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn chung, các doanh nghiệp trong nước hiện nay chưa có đủ nhận thức và hành động cần thiết về định giá carbon hay báo cáo lượng khí thải carbon. Phạm trù này vẫn tương đối mới ở Việt Nam, do vậy, yêu cầu cấp thiết là phải nâng cao nhận thức và tích hợp những cân nhắc về môi trường vào chiến lược kinh doanh.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh giáo dục và nâng cao nhận thức rộng rãi cho các doanh nghiệp Việt Nam về CBAM nói riêng – cụ thể là những tác động của nó và cách giảm thiểu thách thức. Điều này liên quan việc gia tăng hiểu biết về các cơ chế giao dịch carbon quốc tế, chiến lược giảm phát thải, tận dụng mọi miễn trừ hiện có hoặc mức thuế thấp hơn cho các sản phẩm xanh hơn.

Thứ ba, để giảm gánh nặng thuế carbon và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đầu tư vào công nghệ và phương pháp sản xuất xanh sạch hơn. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi vốn đầu tư, nghiên cứu và phát triển – đây có thể là thách thức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hơn nữa, để tuân thủ CBAM, doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán chính xác lượng khí thải carbon trong sản phẩm của mình. Họ cần hệ thống minh bạch và đáng tin cậy để theo dõi và báo cáo lượng khí thải carbon của doanh nghiệp. Điều này có thể đòi hỏi phải điều chỉnh đáng kể cách vận hành và cơ sở hạ tầng hiện tại.

Cuối cùng, một trở ngại lớn khác là việc thiếu chính sách, lộ trình chiến lược rõ ràng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam điều hướng CBAM một cách hiệu quả. Chính phủ đã triển khai một số sáng kiến, nỗ lực nhằm mục đích đánh giá tác động của CBAM đối với các mặt hàng xuất khẩu và nền kinh tế của Việt Nam, đồng thời cung cấp dữ liệu, khuyến nghị chính sách quan trọng cho lộ trình và cấu trúc của hệ thống thuế carbon trong tương lai.

Tiến sĩ Devmali Perera, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.

Để giải quyết thành công những thách thức trên đòi hỏi nỗ lực phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan khác nhằm đảm bảo hàng xuất khẩu của Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU, đồng thời đóng góp vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Vậy, Việt Nam nên có những biện pháp gì để giảm thiểu tác động của CBAM trong ngắn hạn, thưa Tiến sĩ?

Trong ngắn hạn, Việt Nam với tư cách là một quốc gia nên tập trung chủ yếu vào hai việc.

Đầu tiên, Chính phủ nên tích cực tham gia đối thoại với EU và các đối tác thương mại khác để đàm phán về các thỏa thuận chuyển tiếp, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực.

Thông qua hợp tác với các quốc gia bị ảnh hưởng khác để chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược, Việt Nam có thể củng cố vị thế của mình trong quá trình vận động thực hiện CBAM một cách công bằng và hợp lý. Ví dụ, châu Phi được dự đoán là bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi CBAM, với những tác động đáng kể đến hoạt động kinh tế và xuất khẩu sang EU trong các lĩnh vực như nhôm, sắt thép, phân bón và xi măng.

Ở châu Á, Thái Lan và Ấn Độ cũng dự kiến sẽ gặp phải những tác động đáng kể khi GDP giảm do các mặt hàng xuất khẩu thâm dụng carbon bị tác động bởi CBAM. Bằng cách tiếp tục đối thoại và hợp tác, Việt Nam có thể xây dựng thành công một kế hoạch chiến lược nhằm giải quyết thách thức trong dài hạn.

Thứ hai,nâng cao nhận thức của các nhà xuất khẩu Việt Nam về CBAM và những tác động của nó là việc cần làm.

Chính phủ nên phối hợp với các hiệp hội và đối tác quốc tế để tổ chức các chương trình đào tạo và hội thảo nâng cao năng lực về quản lý carbon và kỹ thuật sản xuất xanh; đồng thời, nên khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ và xác định các biện pháp tức thời để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất.

Điều này liên quan việc áp dụng các công nghệ và phương pháp tiên tiến, tiết kiệm năng lượng. Bằng cách thúc đẩy kiểm toán năng lượng và đưa ra ưu đãi tài chính cho việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chính phủ có thể đẩy nhanh quá trình áp dụng. Cách tiếp cận này sẽ trang bị cho doanh nghiệp trong nước hành trang để có được cơ chế báo cáo carbon và giao dịch carbon bài bản trong tương lai, đảm bảo tuân thủ lâu dài và bền vững.

Việt Nam có thể xây dựng chính sách thuế carbon phù hợp với hoàn cảnh kinh tế trong dài hạn ra sao?

Chiến lược dài hạn hiệu quả nhất đối với Việt Nam bao gồm việc thiết lập cơ chế định giá carbon toàn diện và hệ thống báo cáo carbon bài bản, cùng với kế hoạch chiến lược nhằm giảm lượng khí thải carbon tại các doanh nghiệp Việt Nam. Cách tiếp cận này sẽ dẫn đường cho các doanh nghiệp áp dụng thông lệ bền vững bằng cách điều chỉnh các ưu đãi kinh tế phù hợp với các mục tiêu bền vững về môi trường.

Bất kỳ quốc gia nào, kể cả Việt Nam, đều có khả năng tạo ra thị trường carbon của riêng mình và đánh thuế carbon đối với các doanh nghiệp trong nước. Trong trường hợp các nhà xuất khẩu phải chịu thuế carbon trong nước bằng với mức thuế CBAM, EU tuyên bố sẵn sàng công nhận điều này và có thể khấu trừ một khoản tương đương. Do đó, Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng thuế carbon đối với các doanh nghiệp địa phương.

Ví dụ, Ấn Độ gần đây đã giới thiệu Chương trình Giao dịch tín chỉ carbon (Carbon Credit Trading Scheme - CCTS) để đạt được các mục tiêu giảm thiểu phát thải carbon. Việc triển khai hiệu quả CCTS sẽ cho phép các doanh nghiệp Ấn Độ chứng minh sản phẩm của họ được sản xuất bằng công nghệ xanh và ít carbon, có khả năng giảm mức thuế CBAM họ phải đóng và thúc đẩy xuất khẩu năng lượng xanh sang EU.

Để hướng tới một nền kinh tế xanh hơn, chính phủ Việt Nam đã triển khai thuế bảo vệ môi trường từ năm 2010. Nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam theo kịp các thông lệ tốt nhất trên thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14067:2020 về khí nhà kính vào năm 2020. Bộ tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu và khuyến nghị cơ bản mà doanh nghiệp cần để tính toán và công bố chính xác lượng khí thải carbon của họ. Tuy nhiên, đến nay thị trường carbon của Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng tầm. Do đó, điều quan trọng là phải xây dựng chính sách thuế carbon phù hợp với nền kinh tế và tích cực nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong nước về các chính sách này.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhanh chóng của Việt Nam trong thập kỷ qua đã dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính tăng đáng kể. Với kịch bản này, điều quan trọng là phải tiến hành đánh giá chi tiết về lượng khí thải carbon trong nước.

Theo báo cáo của WB năm 2022, ngành năng lượng gây ra khoảng 65% lượng phát thải khí nhà kính (chiếm tỷ lệ cao nhất) của Việt Nam năm 2020 và ngành nông nghiệp khoảng 19%. Do đó, đánh thuế theo ngành sẽ hiệu quả hơn thay vì áp dụng một mức thuế carbon chung cho tất cả. Những ngành phát thải nhiều nhất như năng lượng, đặc biệt là sản xuất năng lượng phụ thuộc vào than đá, có thể bị đánh thuế ở mức cao nhất. Hơn nữa, việc thực hiện thuế carbon theo từng giai đoạn sẽ cho phép các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh và đầu tư vào công nghệ sạch hơn.

Một cách tiếp cận bền vững hơn là khuyến khích các doanh nghiệp khử cacbon trong chuỗi cung ứng của họ. Chính phủ có thể sử dụng nguồn thu từ thuế carbon để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, nâng cấp công nghệ và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển theo các phương pháp bền vững. Ngoài ra, các ưu đãi tài chính như giảm thuế, trợ cấp mua công nghệ xanh hoặc trợ cấp cho các dự án bền vững có thể hỗ trợ doanh nghiệp. Bằng cách liên kết trực tiếp lợi ích tài chính với nỗ lực giảm phát thải, các doanh nghiệp sẽ có động lực hơn để đầu tư vào quá trình khử cacbon.

Tóm lại, việc triển khai thành công các chính sách thuế carbon và quá trình khử cacbon trong chuỗi cung ứng xoay quanh sự phối hợp và nhận thức chung từ nhiều bên liên quan, bao gồm các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và công chúng nói chung.

Các quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật Bản đang xem xét áp dụng thuế carbon trong thời gian tới. Động thái này có thể sẽ có tác động đáng kể đến doanh thu xuất khẩu, đặc biệt đối với các quốc gia có tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam. Do đó, cần thực hiện các giải pháp ngắn hạn nhằm giảm thiểu tác động của CBAM đối với xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời hướng tới thực hiện cam kết quốc gia về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây