Tại sao tác giả 'Cà phê cùng Tony' tự xưng là Dượng?

Thứ năm - 02/05/2024 23:15
 

Tôi biết đến Tony Buổi Sáng từ những năm 2013-2014. Ngày ấy, trong chen chúc những bài viết, trang Facebook mới đang tìm cách để gây ảnh hưởng trên mạng xã hội thì những bài của Page Tony Buổi Sáng đã mang đến nội dung rất riêng. Tác giả ẩn danh tự xưng mình là Dượng - mà như ông/anh/chị ấy đã tự nhận: “Trong miền Nam, dượng là chồng của cô hay dì, không có quan hệ máu mủ gì nên nói chuyện với các cháu thoải mái như hai người bạn”.

Đúng vậy, với lối nói chuyện tưng tửng, lâu lâu lại thậm xưng tình huống gây cười, tác giả Tony Buổi Sáng nhẹ nhàng cung cấp cho bạn đọc những bài học về đối nhân xử thế, từ chuyện nhỏ nhặt nhất như ăn, nói, bớt xớ rớ… cho đến những câu chuyện vĩ mô hơn như khởi nghiệp, kinh tế, xuất nhập khẩu, mua đi bán lại trên thương trường quốc tế.

Và, cũng bởi vì từ đầu xưng là Dượng, nên những câu chuyện của Dượng đa phần ai muốn nghe qua rồi bỏ cũng được, ai muốn tích lũy gì tốt đẹp để học trong đó cũng được. Dượng không đi sâu vào tranh luận, phân biệt rành mạch nào đúng nào sai.

Trong gia đình, dượng là người không quá thân, cũng không quá sơ, con cháu trong nhà đứa nào quý mến thì nghe theo, tích lũy lời dạy tự tu chỉnh mình; đứa nào thấy không quan trọng, bỏ qua thì dượng cũng chẳng màng.

Ngay cả trong ca dao còn có câu lợt lạt: “Chồng cô, vợ cậu, chồng dì/ Trong ba người ấy, chết thì không tang”. Như vậy, Dượng biết rõ thái độ của bạn đọc đối với mình. Chọn xưng Dượng cho những câu chuyện được chia sẻ thành ra nhẹ nhàng, có thể vô thưởng vô phạt, nhưng cũng có thể hàm ý thâm sâu, tùy người cảm nhận.

Cuốn sách Cà phê cùng Tony được NXB Trẻ phát hành chính là góp lại những bài viết đã đăng trên Page Tony Buổi sáng. Bài viết "cà rỡn" thôi mà được mấy nghìn bạn yêu thích, chia sẻ. Mấy bạn cùng nhau nhận là thành viên của “CLB Con dượng Tony Buổi Sáng”, tự hào là những thành viên tích cực, dám nghĩ dám làm, đặc biệt sống có nghĩa có tình, văn minh đẳng cấp, chân, thiện và mỹ (như mong mỏi của Dượng trong một bài viết).

Sách được chia làm hai phần. Phần nói về đời sống của chính Dượng Tony với những câu chuyện từ gia đình, từ người cha lo cho con, câu chuyện Dượng từ miền Trung khăn gói vào Sài Gòn thi đại học, chuyện phấn đấu lập chí tu thân của Dượng mà mỗi lần đọc lại đều khiến tôi xúc động khi liên tưởng đến mình. Tôi cũng từ quê nghèo, mà vẫn còn được lo lắng, ấm áp hơn Dượng phải nằm một mình trên ghế đá công viên cho qua đêm, chờ vào buổi thi ngày mai…

Phần thứ hai là những chia sẻ của Dượng dành riêng cho các bạn trẻ để tự mình rèn luyện, lập nghiệp, đứng vững giữa đời.

Đọc Cà phê cùng Tony, tôi tự trách mình thời tuổi trẻ đã không có được những ý chí sắt đá, tiến thủ như của Dượng. Tôi tự thấy tủi hổ khi mình cũng từng ở trong số “cả chục nhân viên ngồi với vẻ mặt buồn xo, cứ mấy phút thì liếc coi đồng hồ một lần, đến 5 giờ chiều thì vội vã tắt màn hình, đi nhậu, giải phóng năng lượng tích tụ cả ngày bằng cách vung tay chém gió phần phật trên bàn nhậu. Và hôm sau thì đi trễ vì dậy không nổi. Lại vào, ngồi đếm thời gian cho hết ngày. Và cứ thế, hết tuần, hết tháng, hết năm, hết đời người”.

Đọc Cà phê cùng Tony, tôi thấy mình phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong công việc, luôn tìm tòi, phát triển cái mới, vừa biết tiết kiệm thời gian, công sức tiền bạc, vừa biết trau dồi, phát triển thêm kỹ năng, “cứ sẵn sàng để công ty bóc lột”, nhưng cũng đồng thời tự học, tự trui rèn những phẩm chất tốt đẹp của mình để mỗi năm phải ngày càng tốt hơn, thu nhập cao hơn. Chứ nếu vẫn y chang năm cũ thì “tự lấy tay mà vả vào mặt mình”! (lời của Dượng).

Đọc Cà phê cùng Tony, tôi biết rút mình ra, tránh khỏi những cuộc tranh luận vô bổ mà cuối cùng đúng hay sai cũng không giúp bên nào thêm lên được điều gì. Cứ bình thản, chấp nhận, tôn trọng quan điểm chung của mỗi người. Bởi vì suy cho cùng, cũng đâu có ai chịu trách nhiệm cho cuộc đời bạn, ngoài bạn!

Đọc Cà phê cùng Tony từ cách đây đã gần 10 năm, ngoài việc chăm chỉ, kỷ luật, rèn giũa đức tính của mình, sống hào sảng nghĩa tình… tôi vẫn luôn nung nấu một ước mơ nho nhỏ về cuối đời, y hệt như Dượng: “Mình, mảnh đất bé xinh ở một góc đồi Đà Lạt, cất cái nhà nhỏ ẩn trong rừng thông, bình yên, sáng pha ấm trà Cầu Đất, xong đạp xe đi dạy, truyền cho thế hệ sau những cái mình đã biết. Chiều tưới cây tưới hoa trong vườn, viết thơ, viết văn, đọc sách, đối ẩm với bạn hiền. Chờ trăng lên và gió ngàn vi vút qua đồi thông trước mặt. Hổng biết có làm được không nữa. Thấy cũng khó nhưng ráng”.

Thật lòng biết ơn Dượng - người thầy ảo trên cõi mạng, với những câu chuyện trong Cà phê cùng Tony! Con cũng thấy khó, nhưng sẽ ráng, Dượng à!

Nguyễn Thanh Bình

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây