Tin Nhanh Việt Nam

https://baomoiday.net:443


Lễ hội chùa Dâu Bắc Ninh, nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu

Lễ hội chùa Dâu Bắc Ninh không chỉ là nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu mà còn là hoạt động văn hóa dân gian đậm bản sắc quê hương vùng Kinh Bắc.

Lễ hội chùa Dâu Bắc Ninh là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân vùng Dâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bởi nó không chỉ là nhu cầu tìm về Phật tổ và hòa mình trong hoạt động văn hóa cộng đồng dân gian sôi động và tiêu biểu mà còn với ý nghĩa quan trọng là cầu mong mọi điều tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa - một ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.

Lễ hội chùa Dâu diễn ra trong 2 ngày mùng 8 và mùng 9/4 âm lịch

Lễ hội chùa Dâu Bắc Ninh thường diễn ra trong 2 ngày (mùng 8 và mùng 9/4 âm lịch), trong đó ngày mùng 8 là ngày hội chính. Hoạt động chính của hội là các làng tổ chức rước các tượng Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ (bà Đậu), Pháp Lôi (bà Tướng), Pháp Điện (bà Dàn) từ các chùa về tại chùa Dâu (hội tụ các yếu tố mây, sấm, chớp, mưa). Đặc sắc nhất là nghi lễ rước và diễn tích trò “Mẹ đuổi con” rồi tổ chức “cướp nước” bằng việc rước kiệu Phật “Tứ pháp” chạy thi ra Tam quan. Nếu kiệu rước bà nào tới Tam quan trước thì lấy được nước và thắng cuộc. Thường thì kiệu bà Pháp Vũ sẽ chạy tới đích sớm nhất và người dân quan niệm rằng năm đó sẽ được mùa…

Năm nay, mặc dù lễ hội chùa Dâu Bắc Ninh không tổ chức rước nhưng tăng ni, phật tử, người dân vùng Kinh Bắc và khách thập phương cũng đến rất đông để chiêm bái ngôi chùa cổ nhất Việt Nam.

Được biết, chùa Dâu Bắc Ninh với niên đại gần 1.800 năm, không chỉ là ngôi chùa cổ kính mà nơi đây còn là chứng tích lịch sử của Việt Nam. Theo ghi chép để lại thì chùa Dâu được xây dựng từ thế kỉ II, từ năm 187 đến năm 226 thì hoàn thành. Đây là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị lịch sử về văn hóa hết sức lớn lao và sâu sắc. Năm 2013, chùa Dâu Bắc Ninh được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Mặc dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chùa Dâu Bắc Ninh phải trùng tu nhiều lần nhưng vẻ ngoài cổ kính của ngôi chùa vẫn nguyên sơ, Ngoài những kiến trúc thưở sơ khai, chùa Dâu Bắc Ninh còn được đúc kết thêm những tinh hoa kiến trúc từ thời Lý, thời Trần.

Quá trình hình thành và tồn tại của chùa Dâu gắn bó mật thiết với lịch sử phát triển của nước ta. Cùng với một số chùa lân cận, chùa Dâu tạo nên một trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam và khu vực. Nhiều đại sư danh tiếng thời xưa đã từng tu hành, trụ trì ở chùa Dâu Bắc Ninh như: Mâu Bác ở thế kỷ II, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương ở thế kỷ III và Thiển sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở thế kỷ VI.

Chùa Dâu Bắc Ninh còn là chùa Cả trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp

Chùa Dâu Bắc Ninh còn là chùa Cả trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp, chùa Dâu thờ Thần Mây (Pháp Vân), chùa Thành Đạo thờ Thần Mưa (Pháp Vũ), chùa Phi Tướng thờ Thần Sấm (Pháp Lôi), và chùa Phương Quan thờ các lực lượng thiên nhiên của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và cũng là sự biểu hiện của cả tục thờ Mẫu, một tôn giáo bản địa thuần Việt. Chùa còn thờ “Đức Thạnh Quang” - biểu tượng của thần SiVa trong Ấn Độ giáo. Như vậy, chùa Dâu đã dung hội, cải tiến một cách điển hình các tín ngưỡng, tôn giáo bản địa với các tôn giáo lớn trong khu vực nhưng vẫn mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Tháp Hòa Phong tọa lạc chính giữa chùa Dâu

Tọa lạc ngay chính giữa chùa Dâu Bắc Ninh chính chính là Tháp Hòa Phong có độ cao 9 tầng (ngày nay chỉ còn lại 3 tầng) cao 17m. Tháp Hòa Phong được xây dựng với gạch lớn, nung già. Trên tháp có một chiếc chuông đồng và khánh đồng được đúc vào khoảng cuối thế kỷ 17- đầu thế kỷ 18.

Sau khi tham quan tháp Hòa Phong, du khách bước chân vào Tiền đường. Ở Tiền đường có đặt các tượng Hộ Pháp, Đức Ông, Bát Bộ Kim Cương, Đức Thánh Hiền. Được mệnh danh là nơi có nhiều pho tượng phật cổ nhất Việt Nam, những pho tượng tại chùa Dâu đều được thiết kế, chạm khắc rất tỉ mẩn, tinh xảo.

Thượng điện, điểm nhấn của chùa Dâu nơi thờ bà Dâu, chính là nữ thần Pháp Vân

Điểm nhấn của chùa Dâu Bắc Ninh chính là Thượng điện, nơi đây mang vẻ tĩnh lặng, trang nghiêm. Đứng trước Thượng điện là cơ hội để du khách có thể chiêm bái, bày tỏ lòng thành kính đối với các vị thần linh đã ngày đêm cai quản, bảo vệ để cuộc sống người dân được ấm no, hạnh phúc. Thượng điện xây dựng và thiết kế với mái cong, bao gồm một gian, ba chái. Nhìn mái cong giống như những bông sen hồng, với hình tứ linh được trạm trổ kỳ công và khéo léo. Ở đằng trong Thượng điện có đặt tượng bà Dâu, chính là nữ thần Pháp Vân. Phía bên trái của tượng bà Dâu là tượng bà Pháp Vũ, bên dưới là tượng Tiên Đồng, Ngọc Nữ. Tất cả các bức tượng trong Thượng điện đều được sắp xếp cân đối, hài hòa và mang theo những nét đặc trưng của người Việt Nam.

Trải qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử, chùa Dâu Bắc Ninh là điểm đến của Phật tử của cả nước. Du khách đến lễ hội chùa Dâu Bắc Ninh là về với đạo Phật và cùng chiêm ngưỡng những vẻ đẹp, giá trị mà ngôi chùa mang lại. Đồng thời ôn lại truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, cũng như động viên, khích lệ tinh thần nhân dân cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cộng đồng.

Phạm Tiệp

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây